Chủ tịch nước và Thủ Tướng khác nhau ở điểm nào?

Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, đại diện cho Nhà nước trong các hoạt động đối nội cũng như đối ngoại. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu và phải là một đại biểu Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước trùng với nhiệm kỳ của Quốc hội. Giúp việc cho Chủ tịch nước là một Phó Chủ tịch nước cũng do Quốc hội bầu ra và chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Chủ tịch nước đa phần là nguyên thủ các nước hệ thống Xã hội Chủ nghĩa như Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước:
1.Công bố hiến pháp, luật, pháp lệnh
2.Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân và giữ chức vụ chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh
3.Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao
4.Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ
5.Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Ủy ban thường vụ Quốc hội, công bố quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh, công bố quyết định đại xá
6.Căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương
7.Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét lại pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về các vấn đề quy định tại điểm 8 và điểm 9, Điều 91 trong thời hạn mười ngày kể từ ngày pháp lệnh hoặc nghị quyết được thông qua; nếu pháp lệnh, nghị quyết đó vẫn được Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành mà Chủ tịch nước vẫn không nhất trí, thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất
8.Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao
9.Quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp cao trong các lực lượng vũ trang nhân dân, hàm, cấp ngoại giao và những hàm, cấp khác; quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự Nhà nước
10.Cử, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam; tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài; tiến hành đàm phán, ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với người đứng đầu nước khác; quyết định phê chuẩn hoặc tham gia điều ước quốc tế, trừ trường hợp cần trình Quốc hội quyết định
11.Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, cho thôi quốc tịch Việt Nam hoặc tước quốc tịch Việt Nam
12.Quyết định đặc xá

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam là người đứng đầu Chính phủ Việt Nam. Thủ tướng điều hành Chính phủ và có trách nhiệm giám sát các bộ trưởng. Thủ tướng được Chủ tịch nước đề cử và Quốc hội phê chuẩn. Sau đó Thủ tướng trình danh sách Chính phủ để Quốc hội phê chuẩn.
Thủ tướng chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác với Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Thủ tướng phải là đại biểu Quốc hội.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng:
1.Lãnh đạo công tác của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp; chủ toạ các phiên họp của Chính phủ;
2.Đề nghị Quốc hội thành lập hoặc bãi bỏ các Bộ và các cơ quan ngang Bộ; trình Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ;
3.Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các Thứ trưởng và chức vụ tương đương; phê chuẩn việc bầu cử; miễn nhiệm, điều động, cách chức Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
4.Đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những quyết định, chỉ thị, thông tư của Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và các văn bản của các cơ quan Nhà nước cấp trên;
5.Đình chỉ việc thi hành những nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và các văn bản của các cơ quan Nhà nước cấp trên, đồng thời đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ;
6.Thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng mà Chính phủ phải giải quyết.

Tóm lại, Chủ tịch nước đứng đầu Nhà nước, chuyên ban hành các hiến pháp, công văn. Còn Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ, chuyên thực thi các hiến pháp, công văn trên.
0 Bình luận "Chủ tịch nước và Thủ Tướng khác nhau ở điểm nào?"

Back To Top