Tại sao có một thời gian dài mình quên đi một việc đã xảy ra trọng quá khứ như chưa từng tồn tại rồi lại tình cờ nhớ đến nó dù không có điều gì khơi gợi liên quan đến việc đã xảy ra.



Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy cùng nhau đi tìm hiểu việc tiếp nhận thông tin của não như thế nào đã nhé!


Trí nhớ là một quá trình hoạt động của não bộ để ghi nhận, bảo tồn và nhớ lại thông tin khi cần thiết. Quá trình này đòi hỏi có sự tham gia của nhiều vùng của não như thùy trán, thùy thái dương, đồi thị, hải mã, … . Một thông tin sẽ được ghi nhận bằng các giác quan, sau đó sẽ được mã hóa và lưu trữ ở các kho trong não. Khi cần nhớ lại, thông tin sẽ được truy suất tại các kho và chuyển đến các trung tâm phát ngôn hoặc vận động ở các vỏ não tương ứng để thực hiện thông tin của trí nhớ. Tùy thuộc vào nội dung thông tin cần nhớ và thời gian ghi nhớ mà chúng ta có các phân loại trí nhớ khác nhau.

Trí nhớ được phân ra làm 3 cấp độ:

1.Trí nhớ cực ngắn hay trí nhớ giác quan: trí nhớ về hình ảnh, âm thanh. Sau khi đã thấy một hình ảnh hoặc nghe một âm thanh một cách ý thức hay không ý thức trong vòng 3-5 phần trăm giây, người ta có thể mô tả lại khá chính xác. Trí nhớ giác quan nhanh chóng mất đi, chỉ những phần quan trọng được học nhẩm và lưu trữ thành trí nhớ ngắn hạn.

2.Trí nhớ ngắn hạn: khả năng nhớ lại trong một khoảng thời gian ngắn (vài phút hoặc vài giờ) một thông tin. Nó liên quan đến tiến trình chú ý. Trí nhớ này còn được gọi là trí nhớ công việc. Các thông tin sẽ được ghi nhớ cho đến khi hoàn thành công việc và thường quên đi khi đã xong công việc. Tuy nhiên những thông tin quan trọng, được lập đi lập lại, có thể sẽ được giữ lại thành trí nhớ dài hạn. Thùy trán trước đóng vai trò quan trọng trong việc mã hóa và lưu trữ trí nhớ công việc.

Ví dụ: đọc và nhớ một số điện thoại trong niên giám. Chúng ta thường quên đi sau khi gọi xong cú điện thoại.

3.Trí nhớ dài hạn: là những thông tin được não lưu trữ lâu dài vì nó rất quan trọng cho bạn. Các thông tin cơ bản được nhớ như tên người trong nhà hay bạn bè, địa chỉ, cũng như các thông tin làm thế nào để làm việc, thi cử, …. Các trí nhớ ngắn hạn chuyển thành trí nhớ dài hạn thường gắn liền với 1 hình ảnh, 1 giọng nói, hoặc 1 cảm giác ảnh hưởng tới trạng thái tinh thần của chúng ta.

Vậy, nguyên nhân của việc trên câu hỏi là gì nhỉ? Đó là trong 1 thời gian dài, chúng ta không nghĩ tới hình ảnh, giọng nói, cảm giác gắn liền với trí nhớ đó, nên chúng ta không thể kích thích các neuron trí nhớ có thể truy xuất thông tin về sự việc đó, và chúng ta quên mất sự việc đó. Tuy nhiên, bẵng 1 thời gian sau, hình ảnh, giọng nói, cảm giác đó vô tình quay lại mà chúng ta không để ý, nó đã giúp truy xuất trí nhớ về sự việc đó và chúng ta nhớ. Đây là 1 trường hợp thông thường của trí nhớ.
0 Bình luận "Tại sao có một thời gian dài mình quên đi một việc đã xảy ra trọng quá khứ như chưa từng tồn tại rồi lại tình cờ nhớ đến nó dù không có điều gì khơi gợi liên quan đến việc đã xảy ra."

Back To Top