Chúng ta sẽ không hề có cảm giác gì tại bộ phận được tiêm thuốc tê. Tại sao lại thế nhỉ?
Bạn đã từng trải qua ca phẫu thuật nào hay đơn thuần là tới nha sĩ nhổ răng? Nếu có thì chắc hẳn bạn sẽ tưởng tượng ra việc mình sẽ phải chịu đựng thế nào khi tiến hành ca mổ hay là nhổ răng mà không có thuốc gây tê. Rõ ràng, thuốc tê đã giúp cơ thể chúng ta giảm đi những cơn đau đớn rất nhiều. Vậy tại sao thuốc tê có thể giúp chúng ta hết đau đớn và sợ hãi?
Trước khi phát minh ra thuốc gây tê giữa thập niên 1800, để tiến hành ca mổ, các bác sĩ phẫu thuật đã phải trói chân, trói tay người bệnh để họ không giãy giụa vì đau đớn hay sử dụng tới chất cồn hoặc chiết xuất từ cocain như là cách để bệnh nhân quên đi nỗi đau phải chịu đựng. Tuy nhiên, những phương pháp trên dù có phần nào giảm đau song cũng không thể chặn cơn đau hoàn toàn hay xóa bộ nhớ tạm thời của con người khi đó. Vì vậy, người bệnh lưu lại hầu như toàn bộ kí ức về nỗi đau và nó sẽ luôn ám ảnh họ.
Bước ngoặt đến khi thuốc gây tê ra đời. Ban đầu, nó chỉ là hỗn hợp bao gồm ete và clorofom. Tuy nhiên, bản thân hỗn hợp trên nếu không biết sử dụng hợp lí, đúng liều lượng cũng có thể gây ra tử vong cho bệnh nhân, vì vậy, người ta đã không ngừng tìm tòi cải tiến công nghệ y khoa. Cho tới ngày nay, thuốc gây tê thường là hỗn hợp khí gồm nitơ oxit (khí gây cười) và các dẫn xuất khác nhau của ete, chẳng hạn như isoflurane, sevoflurane và desflurane. Những loại chất này an toàn hơn với cơ thể con người. Thêm vào đó, giờ đây chúng ta đã có những hệ thống máy đo liều lượng tiên tiến giúp phát huy đầy đủ nhất công dụng của thuốc gây tê.
Hoạt động cụ thể của nó tới nay vẫn chưa có lời đáp thỏa đáng. Tuy nhiên, xét theo công dụng và tùy thuộc vào các ca bệnh khác nhau, người ta chia thuốc gây tê thành 2 loại: một là gây tê toàn bộ cơ thể, hai là gây tê liệt một bộ phận cơ thể. Loại gây tê một bộ phận chủ yếu dùng trong các tiểu phẫu, gây tê tại chỗ nhằm ngăn các dây thần kinh của bộ phận đó truyền tín hiệu đau tới trung ương thần kinh. Gây tê toàn thân áp dụng cho các trường hợp nặng hơn. Hiểu đơn giản, khi vào trong cơ thể, thuốc sẽ hạn chế các phản ứng sinh lý, giữ vững huyết áp, hạn chế hormone căng thẳng và duy trì nhịp tim ổn định.
Thuốc tê không hoàn toàn giống với thuốc gây mê mà chúng mình thường nghe thấy. Thuốc gây mê là thuốc ức chế thần kinh trung ương hoàn toàn, làm cho con người và động vật mất hết linh cảm (ý thức), vận động và mọi cảm giác (đau, đụng chạm, nhiệt độ). Lúc đó, có thể coi chúng ta đang ở trong một trạng thái lơ lửng mà bản thân không nhận thức và tác động được gì vào thế giới xung quanh.
Trong khi đó, thuốc gây tê không hề làm con người mất đi nhận thức tạm thời. Chúng ta hoàn toàn có thể trực tiếp chứng kiến cuộc tiểu phẫu của mình, hoàn toàn biết được bác sĩ đang làm gì với mình nhưng chúng ta lại không hề có cảm giác gì tại bộ phận mà được thuốc tê tiêm vào. Đó chính là điểm khác nhau căn bản giữa 2 loại thuốc này.
Vì vậy, đừng sợ hãi, căng thẳng trước khi tiến hành phẫu thuật hay nhổ răng nhé! Thả lỏng và nghỉ ngơi sẽ giúp thuốc gây tê hoạt động tốt hơn và bạn sẽ có được kết quả như ý.
0 Bình luận "Vì sao thuốc tê giúp ta hết đau, hết sợ?"