Công việc hay con cái?
Như một xu thế phổ biến ở các nước nước phát triển, phụ nữ ngày càng làm việc nhiều hơn và kết hôn muộn hơn.
Tuy nhiên, nếu so sánh Nhật Bản với Thuỵ Điển làm ví dụ, ngày nay có nhiều phụ nữ Thuỵ Điển đi làm và họ cũng lập gia đình muộn hơn, nhưng tỷ lệ sinh của nước này lại cao hơn. Vì vậy không thể chỉ lấy 2 lý do trên để giải thích cho khủng hoảng dân số hiện nay của Nhật Bản.
Ở Nhật Bản, mọi người thường đưa ra 3 vấn đề được xem như trở ngại đối với quyết định sinh đẻ và nuôi con, đó là: những lo lắng về tài chính, các vấn đề nảy sinh khi vừa đi làm vừa có một gia đình nhỏ, và việc thiếu sự hỗ trợ đối với các bà mẹ.
“Mọi người có ấn tượng rằng việc nuôi con là rất tốn kém,” một sinh viên ở Tokyo nói. Trong khi đó, nhiều cặp vợ chồng trẻ lại không dư giả gì.
Trên thực tế, thu nhập thường liên quan đến tuổi tác. Nhiều người trẻ và phụ nữ chỉ được ký hợp đồng lao động tạm thời và thu nhập thấp. Trong khi đó, trợ cấp cho trẻ nhỏ không cao, chi phí cho việc ăn ở và học hành lại khá cao.
Tình hình tài chính của các cặp vợ chồng trẻ thậm chí có thể tệ hơn vì nhiều phụ nữ bỏ việc sau khi có con, đôi khi là bất đắc dĩ do hoàn cảnh. Một số cơ quan không sẵn sàng "giữ chỗ" cho những người sắp làm mẹ.
Tiến sĩ Kuniko Inoguchi, cựu Bộ trưởng Bộ bình đẳng giới và các vấn đề xã hội Nhật Bản, cho biết ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khoảng 70% phụ nữ mang thai phải quyết định nghỉ việc.
Những người trở lại làm việc sau khi sinh con cũng có thể gặp phải không ít khó khăn.
Nhiều người đã phải chật vật trong việc tìm một cơ sở chăm sóc trẻ sơ sinh để họ có thể yên tâm gửi con ở đó cả ngày. Một số khác phát hiện ra rằng mặc dù vẫn có việc làm, nhưng mọi việc không còn như trước và họ hầu như mất hết cơ hội thăng tiến.
Sự vất vả
Trong trường hợp đại gia đình gồm nhiều thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà thì mọi việc trở nên dễ dàng hơn, vì bà mẹ sẽ có nhiều người xung quanh giúp đỡ. Ở các vùng nông thôn của Nhật Bản, việc này vẫn phổ biến và tỷ lệ sinh ở đây cũng cao hơn mức trung bình của quốc gia.
Tuy nhiên, với các cặp vợ chồng trẻ sống trong các căn hộ chật hẹp nơi đô thị, cách xa gia đình và họ hàng thì khi đứa trẻ ra đời, người chồng thường không thể gánh vác hết việc nhà và giúp vợ chăm con.
Theo kết quả một cuộc khảo sát về lối sống ở Nhật Bản hồi năm 2001, đàn ông đã kết hôn chỉ dành khoảng 30 phút mỗi ngày cho việc nhà hoặc con cái. Đây một phần là kết quả của các quan niệm truyền thống, cho rằng đàn ông Nhật không phải bận tâm đến chuyện bếp núc, dọn dẹp hoặc thay tã cho con. Một vấn đề khác là văn hoá làm việc “thâu đêm suốt sáng” của người Nhật Bản.
Một doanh nhân ở Tokyo cho biết một đồng nghiệp của anh ngày nào cũng phải làm việc đến tận 11 giờ đêm trong khi vợ vừa mới sinh con, nên anh ta chỉ có thể gặp con khi đã buồn ngủ rũ.
Do đó, việc nuôi dạy con, trong một số trường hợp, dồn hết lên vai người phụ nữ. Cũng vì thế, nhiều người quyết định chỉ sinh duy nhất một đứa con.
Thay đổi xã hội
Thành phố Osaka có tỷ lệ sinh thấp thứ hai ở Nhật Bản, chỉ sau thủ đô Tokyo . Năm 2005, tỷ lệ sinh của thành phố này là 1,15 ca đẻ/1 phụ nữ, thấp hơn mức trung bình 1,26 của quốc gia.
Vài năm trở lại đây, giới chức Nhật Bản đã nỗ lực ban hành các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các gia đình sinh con. Ngày nay đã có thêm nhiều cơ sở trông nom, chăm sóc trẻ sơ sinh cho các bà mẹ đi làm và các cơ sở này đều đóng cửa muộn hơn.
Các trường tiểu học cũng xây dựng nhiều chương trình ngoại khoá dành cho trẻ để các bà mẹ có thể yên tâm làm việc muộn hơn. Trong khi đó, dịch vụ trông trẻ theo giờ sẽ giúp những bà mẹ không đi làm có một chút thời gian dành cho bản thân.
Tuy nhiên, tỷ lệ sinh vẫn không có chuyển biến tích cực rõ rệt.
Tiến sỹ Inoguchi cho rằng chính phủ cần đầu tư nhiều hơn để hỗ trợ các gia đình trẻ. Tuy nhiên, bà cho rằng, cũng cần có sự thay đổi lớn về mặt xã hội để cả đàn ông và phụ nữ đều có thể cân bằng giữa công việc và gia đình.
0 Bình luận "Vì sao phụ nữ Nhật “lười” sinh con?"